Mạch lươn là từ dân gian dùng để chỉ một tình trạng bệnh lý loét da dai dẳng kèm theo rỉ mủ với những hang hốc và “đường hầm” ngoằn ngoèo ăn sâu dưới da. Bệnh mạch lươn thường do hai nguyên nhân sau đây gây ra:
- Do ăn uống, chè chén thái quá gây nên sự dư thừa tích tụ trong cơ thể biến thành độc tố rồi sinh bệnh.
- Do lối sống mất vệ sinh tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập vào những chỗ bị nứt nẻ, trầy xước rồi sinh bệnh.
Bệnh mạch lươn gây đau đớn, khó chịu như một cực hình cho người bệnh. Bởi nó là một bệnh nhiễm trùng mạn tính nhưng lại không ăn lan rộng trên mặt da mà vi trùng lại đào hang ăn sâu vào bên trong nên rất khó trị và dễ tái phát. Ở lứa tuổi 30 – 50 thường mắc phải và nam giới chiếm tỷ lệ 4/1 nữ giới. Ngoài vùng mông, hậu môn là thường gặp. Vùng nách, vùng bẹn và vùng đầu trẻ con vẫn hay xảy ra. Nếu ở hậu môn người ta còn gọi là bệnh “Rò hậu môn”.
Nguyên tắc điều trị là “tiêu viêm, bài nùng, sinh cơ” tức là diệt khuẩn trị viêm, nạo mủ, máu độc hoại tử ra ngoài rồi sinh tế bào mới làm lấp vết thương.
Nguyên tắc phòng ngừa là:
- Ăn uống điều độ, giữ vệ sinh da sạch sẽ nhất là ở các vùng dễ nổi mụn nhọt như quanh hậu môn, nách và bẹn.
- Không ngồi lâu một chỗ để da mông không bị thiếu máu gây nên mụn nhọt.
Phương dược trị liệu: Để dễ nhớ bài thuốc tôi làm thành một bài thơ như sau:
Mạch lươn: Thổ phục, Nhân trần
Sài hồ, Bạch chỉ, Kinh, Phòng, Công anh
Ké đầu, Sài đất, Dành dành
Sâm, Quy, Kỳ, Thảo, Đại hoàng diệu phương.
Công thức:
Thổ phục linh 16g Nhân trần 08g
Sài hồ 12g Bạch chỉ 12g
Kinh giới 08g Phòng phong 12g
Bồ công anh 08g Ké đầu ngựa 12g
Sài đất 08g Dành dành 12g
Đảng sâm 12g Đương quy 12g
Hoàng kỳ 12g Cam thảo 08g
Đại hoàng 12g
Cách sắc thuốc:
Lần I : đổ 4 chén nước sắc còn 1 chén
Lần II : đổ 3 chén nước sắc còn 7 phân
Lần III : đổ 2 chén nước sắc còn 5 phân.
Sắc nước nào, uống nước đó. Uống thuốc còn nóng trước bữa ăn 1 giờ.
Kiêng: Đậu đen, đậu xanh, rau muống
Thịt gà, Cá chép, Ba ba.
Tìm hiểu 15 vị thuốc:
1.Thổ phục linh: Còngọi là củKhúc khắc, củ Kim cang có vị ngọt, nhạt, tính bình, vào 2 kinh Can và Vị. Có tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt, gải độc do thủy ngân, tẩy độc cơ thể, bổ dạ dày. Chữa đau xương, ác sang ung thũng
2.Nhân trần: Vị đắng,tính bình, hơi hàn vào kinh Bàng quang. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, dùng chữa thân thể nóng, da vàng, bệnh gan, thông tiểu tiện.
3.Sài hồ: Là rễ phơi hay sấy khô của cây Sài hồ, vị đắng, tính hơi hàn, vào 4 kinh Can, Đởm, Tâm bào và Tam tiêu. Có tác dụng phát biểu, hoà lý, thoái nhiệt, thăng dương, giải uất, điều kinh. Dùng chữa bệnh thiếu dương, hàn nhiệt vãng lai (khi nóng, khi lạnh), miệng đắng, tai ù, hoa mắt, đầu váng, nôn mửa, sốt rét, kinh nguyệt không đều.
4.Bạch chỉ: Là rễ phơi hay sấy khô của cây Bạch chỉ. Vị cay, tính ôn, vào 3 kinh Phế, Vị và Đại trường. Có tác dụng phát biểu khử phong, thẩm thấp, hoạt huyết bài nùng sinh cơ, giảm đau, dùng để làm thần kinh hưng phấn làm cho huyết trong toàn thân vận chuyển mau chóng, làm thuốc thư gân, ra mồ hôi chữa nhức đầu, răng đau, các bệnh về đầu, mặt, xích bạch đới, thông kinh nguyệt. Dùng ngoài, Bạch chỉ có thể dùng chữa sưng vú, tràng nhạc, ghẻ lở, đỡ đau, hút mủ.
Thường Bạch chỉ được dùng làm thuốc giảm đau, chữa nhức đầu, cảm mạo, hoa mắt, đau răng, còn dùng làm thuốc cầm máu, đại tiện ra máu, chảy máu cam.
5.Kinh giới: Còn gọi là Kinh giới tuệ, Giả tô, Khương giới là toàn cây Kinh giới phơi hay sấy khô gồm cả cành, hoa và lá. Kinh giới có vị cay, tính ôn vào 2 kinh Phế và Can. Có tác dụng phát biểu khử phong, lợi yết hầu, thanh nhiệt tán ứ phá kết. Dùng chữa ngoại cảm phát sốt, đầu nhức mắt hoa yết hầu sưng đau, đẻ xong huyết vận. Sao đen chữa thổ huyết máu cam, đại tiểu tiện ra máu.
6.Phòng phong: Là rễ của cây Phòng phong, là một vị thuốc rất hay đựơc dùng để chữa các chứng bệnh do gió gây ra (phong là gió, phòng là phòng bị), vị cay, ngọt, tính ôn, không độc, vào 5 kinh Bàng quang, Can, Phế, Tỳ và Vị. Có tác dụng phát biểu, tán phong, trừ thấp, là thuốc chữa cảm mạo biểu chứng ra mồ hôi, dùng chữa nhức đầu choáng váng, mắt mờ, trừ phong, đau các khớp xương.
7.Bồ công anh: Dùng toàn cây cả rễ phơi hay sấy khô. Bồ công anh có vị ngọt, đắng, tính hàn vào 2 kinh Tỳ và Vị. Có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, lương huyết tán kết, thông sữa, lợi tiểu tiện dùng trong các bệnh sưng vú, mụn nhọt, tiểu tiện khó khăn, ít sữa.
8.Ké đầu ngựa: Còn có tên là Thương nhĩ tử. Ta dùng quả Ké đầu ngựa phơi hay sấy khô. Ké có vị ngọt, tính ôn, hơi có độc, vào kinh Phế. Dùng chữa mụn nhọt, lở loét, bướu cổ, ung thư phát bối (đằng sau lưng), mụn nhọt không đầu, đau răng, đau cổ họng, viêm mũi.
*Lưu ý: Dùng Ké phải kiêng thịt heo. Nếu dùng thịt heo cùng khi uống Ké thì khắp mình sẽ nổi quầng đỏ.
9.Sài đất: Là một loại cỏ sống dai, mọc lan bò, chỗ thân mọc lan tới đâu rễ mọc tới đấy. Có thể dùng tươi hoặc khô nhưng dùng tươi kết quả tốt hơn. Tác dụng giảm đau, giảm sốt và kháng sinh rõ rệt, không thấy độc tính.
10.Dành dành: Là quả Dành dành chín phơi hay sấy khô, có vị đắng, tính hàn, vào 3 kinh Tâm, Phế và Tam tiêu. Có tác dụng làm thanh nhiệt (chữa sốt), tả hoả, lợi tiểu, cầm máu, dùng trong bệnh sốt, người bồn chồn, khó ngủ, miệng khát, họng đau, mắt đỏ, da vàng, tiểu tiện khó khăn, thổ huyết, máu cam, lỵ ra máu, tiểu tiện ra máu.
11.Đảng sâm: Còn gọi là Phòng đảng sâm, Lộ đảng sâm, Xuyên đảng sâm, Đông đảng sâm, là rễ phơi sấy khô của nhiều loài. Người ta gọi Đảng sâm là Nhân sâm của người nghèo vì có mọi công dụng của Nhân sâm lại rẻ tiền hơn. Đảng sâm có vị ngọt, tính bình , vào 2 kinh Phế và Tỳ, có tác dụng bổ trung ích khí sinh tân, chỉ khát. Dùng chữa Tỳ hư, ăn không tiêu, chân tay yếu mỏi, Phế hư sinh ho, phiền khát. Công dụng gần như Sâm nhưng hơi thiên về bổ trung.
*Lưu ý: Người thực tà không dùng được.
12.Đương quy: Là rễ phơi hay sấy khô của cây Đương quy.
Quy là về, vì vị thuốc này có tác dụng điều khí, nuôi huyết, làm cho huyết đang loạn xạ trở về chỗ cũ, do đó có tên như vậy.
Đương quy có vị ngọt, cay, tính ôn, vào 3 kinh Tâm, Can và Tỳ, có tác dụng hoạt huyết, bổ huyết, nhuận táo, hoạt trường, điều huyết, thông kinh.
Đương quy là một vị thuốc rất phổ thông trong đông y, nó là đầu vị trong thuốc trong thuốc chữa bệnh phụ nữ, đồng thời dùng trong nhiều đơn thuốc bổ và trị bệnh khác.
–Quy đầu thì dẫn huyết đi lên
-Quy thân thì nuôi huyết ở trung bộ
-Quy vĩ thì tiêu ứ phá huyết, dẫn huyết đi xuống
-Toàn thân thì hoạt huyết không dẫn huyết.
*Lưu ý: Quy vị cay thì hay tán, người nào hư, hoả thinh nên kiêng; vị ngọt thì ủng tắc, người nào Tỳ Vị hư hàn chớ dùng; thể nhuận thì hoạt, người nào tiết tả nên kiêng.
13.Hoàng kỳ: Là rễ phơi hay sấy khô của cây Hoàng kỳ. Vị thuốc màu vàng, sở trường về bổ cho nên có tên gọi như vậy; Hoàng là vàng, kỳ là nhớn (sở trường).
Hoàng kỳ có vị ngọt, tính ôn, vào 2 kinh Phế và Tỳ. Có tác dụng bổ khí, lợi tiểu, thác sang. Dùng chữa biểu hư sinh ra mồ hôi trộm, Tỳ hư sinh ỉa lỏng, dương hư yếu thoát, thuỷ thũng, huyết tý.
14.Cam thảo: Còn có tên là Bắc cam thảo, là rễ và thân rễ phơi hay sấy khô của cây Cam thảo. Vị ngọt, tính bình (sau khi nướng thì tinh hơi ôn), vào 12 đường kinh. Có tác dụng bổ Tỳ, Vị, nhuận Phế, thanh nhiệt giải độc, điều hoà các vị thuốc. Muốn thanh hoả thì dùng sống, muốn ôn trung thì nướng. Nướng lên chữa Tỳ hư mà ỉa lỏng, Vị hư mà khát nước, Phế hư mà ho. Dùng sống chữa đau họng, ung thư.
15.Đại hoàng: Còn gọi là Xuyên đại hoàng, Tướng quân, là thân rễ phơi hay sấy khô của nhiều loại Đại hoàng như Chưởng diệp đại hoàng, Đường cổ đặc đại hoàng, Dược dụng đại hoàng. Vì vị thuốc màu rất vàng cho nên gọi Đại hoàng, vì có khả năng tống cái cũ, sinh cái mới rất nhanh chóng như dẹp loạn cho nên gọi là Tướng quân.
Đại hoàng vị đắng, tính hàn, vào 5 kinh Tỳ, Vị, Can, Tâm bào và Đại trường. Có tác dụng hạ vị tràng tích trệ, tả huyết phận thực nhiệt, hạ ứ huyết, phá trưng hà (kết báng ở bụng) hàn thuỷ. Dùng chữa hạ lỵ, ứ huyết, kinh bế thuỷ thũng, thấp nhiệt gây vàng da, ung thũng đinh độc.
Lương y Nguyễn Tấn Xuân